Hạ cánh xuống sân bay Banyuwangi, từ trên cao, du khách có thể nhìn thấy một đường băng thẳng nằm giữa không gian xanh mướt của đồng lúa và cây cỏ. Sân bay Bayuwangi do kiến trúc sư địa phương thiết kế với nhà ga chờ có hình hai chóp nhọn, lấy cảm hứng từ chiếc mũ truyền thống của người dân tộc Osing tại đây.
Quang cảnh phía ngoài sân bay Banyuwangi
Sân bay này có thiết kế tận dụng các cửa thông gió tự nhiên, trồng cây trên mái nhà, xây dựng nhiều hồ nước trong khu vực sân bay để điều hoà không khí và sử dụng cửa sổ trời lấy ánh sáng tự nhiên vào ban ngày. Điều này giúp cho sân bay Banyuwangi tiết kiệm năng lượng hơn nhiều so với các nhà ga khác.
Khu vực sảnh có nhiều ánh sáng tự nhiên
Ông Anton Marthulas, Giám đốc điều hành sân bay Banyuwangi cho biết: “Sân bay của chúng tôi là dạng sân bay với thiết kế mở, sử dụng nguồn khí trời lưu thông trong các nhà ga. Bằng cách này chúng tôi không cần sử dụng điều hoà ko khí. Hiệu quả là sân bay Banyuwangi tiết kiệm năng lượng hơn rất nhiều so với các sân bay khác. Nếu như các sân bay khác phải mất hàng tỷ Rupiah tiền điện thì sân bay Banyuwangi mỗi tháng chỉ phải chi khoảng 60 triệu Rupiah (hơn 4000 USD) tiền điện.”
Ngoài ra, tất cả các vật liệu sử dụng trong sân bay như ghế ngồi chờ, mái nhà, cột nhà, cửa sổ đều làm từ gỗ tái chế. Những mảng cây xanh hoà quện với nội thất gỗ, xen lẫn với những ao cá làm cho khung cảnh của sân bay Banyuwangi rất gần gũi với thiên nhiên, đem lại cảm giác thư thái cho hành khách.
Ghế ngồi ở khu vực nhà chờ làm từ gỗ tái chế
Cây xanh được trồng nhiều để giảm nhiệt
Sân bay Banyuwangi có các chuyến bay thẳng nối với một điểm quốc tế là Kuala Lumpur của Malaysia và 5 điểm nội địa là thủ đô Jakarta, sân bay Denpasar của Bali, Balikpapan, Banjarmasin và thành phố Surabaya.
Năm 2018, mỗi ngày, sân bay đón 12 chuyến bay đi và đến, phục vụ khoảng 360.000 lượt khách, tăng 92% so với năm trước đó. Khách du lịch đến với Banyuwangi có thể khám phá nhiều địa điểm du lịch mới lạ hấp dẫn như Thung lũng Ijjen, nơi có một trong hai ngọn núi lửa xanh của thế giới, hay những bờ biển lí tưởng để lướt sóng như G-land, đảo Đỏ hay Boom beach.
Không chỉ đem lại hiệu quả về kinh tế, sân bay xanh còn góp phần đưa tên tuổi của thành phố Banyuwangi (Indonesia) vượt ra khỏi đảo Java khi dành được giải thưởng “Xuất sắc và Đổi mới Du lịch” của Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO). Hiện nay các khu vực xung quanh sân bay đã bị cấm xây dựng để bảo tồn không gian xanh của sân bay.
Hương Trà/VOV Indonesia