Cảnh Đức Trấn ngày nay là một thành phố hiện đại, nhưng vẫn lưu giữ trong mình những nét cổ kính
Cảnh Đức Trấn nằm ở phía đông bắc tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, trong một vùng núi non, nối với bên ngoài nhờ một nhánh sông Trường Giang. Sông chảy từ Huy Châu vào hồ Bà Dương, hòa vào sông Trường Giang và chảy ra biển. Gốm sứ sản xuất tại đây được vận chuyển theo đường thủy đi khắp nơi trên thế giới.
Ở Trung Quốc có nhiều nơi sản xuất gốm sứ, như Tuyền Châu (Phúc Kiến) hay Phật Sơn (Quảng Đông), nhưng nổi tiếng nhất vẫn là Cảnh Đức Trấn (Giang Tây.)
Gốm được sản xuất ở Cảnh Đức Trấn từ cách đây khoảng 2.000 năm, đến thời Đông Tấn, cách đây hơn 1.600 năm thì bắt đầu sản xuất đồ sứ.
Thời hoàng kim, ở Cảnh Đức Trấn có vô số lò gốm với những ngọn khói vươn cao tới tận trời. Trong màn đêm, ngôi trấn đỏ rực dưới những ống khói khổng lồ. Năm 1712, François Xavier d'Entrecolles, một nhà truyền giáo người Pháp đã kể về sự giàu có của Cảnh Đức Trấn trong bức thư gửi một tổ chức Hội Thiên chúa giáo ở Pháp.
Một đoạn trong bức thư năm 1712 của François Xavier d'Entrecolles, xuất bản lại năm 1735
Trong sổ sách của huyện Phù Lương năm 1682 dưới thời Khang Hy có một bản vẽ chi tiết toàn bộ Cảnh Đức Trấn với rất nhiều lò nung và thuyền bè. Ngôi trấn phát triển thịnh vượng dọc theo sông, như một con rồng uốn lượn.
Khác với các ngôi trấn nói chung thời đó, Cảnh Đức trấn không có tường bao, vì trấn nằm dưới chân núi, và có sông bao quanh. Sông chính là nguồn khai thác cao lanh để phục vụ cho việc làm gốm sứ.
Cảnh Đức Trấn nằm hai bên một nhánh sông Trường Giang
Sau khi khai thác về, cao lanh được giã nhỏ, nghiền mịn, lọc kỹ, rồi đóng khuôn. Ở Cảnh Đức Trấn, người ta dùng cối nước để giã cao lanh. Khó có thể hình dung nghề gốm ở Cảnh Đức Trấn nếu không có sông. Trong suốt hơn 1 nghìn năm, người dân Cảnh Đức Trấn đã làm gốm theo phương thức truyền thống này. Tương truyền dọc theo các nhánh sông Trường Giang quanh Cảnh Đức Trấn có tới hơn 6 nghìn cối nước giã cao lanh. Vào mùa hè, khi mực nước dâng cao, tiếng cối giã vang xa cách hàng dặm cũng có thể nghe thấy.
Một viên quan thời Minh tên là Vương Thế Mậu (王世懋) đã từng mô tả cảnh tượng đó: "Mất ngủ suốt đêm vì âm thanh ầm ầm của hàng vạn chiếc cối giã đất, vì ánh lửa lò chiếu sáng rực rỡ bầu trời ở nơi được mệnh danh là ngôi trấn sấm động quanh năm này."
Vốn chữ cao lanh xuất phát từ tên của làng Cao Lĩnh (高岭), ngôi làng nằm sâu sau những dãy núi, cách Cảnh Đức Trấn 45km về phía đông bắc. Gần làng có núi Cao Lĩnh, là nguồn cao lanh dồi dào, một trong những loại cao lanh tốt nhất. Năm 1869, nhà địa chất học người Đức Richthophen đã tới đây nghiên cứu và viết một cuốn sách, trong đó ông mô tả chi tiết loại nguyên liệu dùng để làm gốm sứ tại địa phương. Và ông dùng cái tên của ngôi làng để đặt tên cho loại nguyên liệu đó. Từ đó trở đi, danh tiếng của cao lanh vang xa, được coi là loại nguyên liệu tốt nhất để làm gốm sứ.
Dưới chân núi Cao Lĩnh có một xóm nhỏ nằm đơn độc. Đó là xóm Đông Bộ, nằm hai bên con đường chính dài 500m. Thời hoàng kim, con đường ngắn này san sát những cửa hàng cửa hiệu. Dọc bờ sông là những bến thuyền để dân trong xóm chở cao lanh đi bán khắp nơi.
Khoảng 300 năm trước, một người ở tỉnh Giang Tây tên là Tống Ứng Tinh đã viết cuốn “Thiên công khai vật”, giải thích chi tiết về công nghệ kỹ thuật dân gian thời bấy giờ, trong đó mô tả tỉ mỉ mọi công đoạn làm gốm sứ. Để làm ra được một sản phẩm gốm sứ, cần phải hoàn tất 72 công đoạn. Muốn làm sản phẩm gốm sứ thật tinh xảo thì số công đoạn còn hơn rất nhiều.
Nhờ nguồn cao lanh và sự tài hoa của những người thợ, gốm sứ Cảnh Trấn Đức được đánh giá là có kỹ thuật vượt trội, vào các thời Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, Cảnh Đức Trấn trở thành nơi chuyên sản xuất đồ sứ cho triều đình. Đến đời Minh, Cảnh Đức Trấn đã trở thành trung tâm sản xuất đồ sứ của cả nước, được mệnh danh là kinh đô đồ sứ của Trung Quốc.
Một số sản phẩm gốm sứ của Cảnh Đức Trấn trưng bày trong bảo tàng
Đồ sứ Cảnh Đức Trấn thường có tạo hình tinh xảo, hoa văn trang trí đa dạng, chủng loại phong phú, phong cách độc đáo.
Nếu như trước đây, mỗi một lò gốm tiêu thụ khoảng 40.000 kg củi mỗi năm, đe dọa tới sự an toàn của môi trường, thì ngày nay, để giảm bớt sự phụ thuộc vào gỗ rừng, không đe dọa tới sự tồn tại của các cánh rừng, các lò gốm đã chuyển sang phương thức sản xuất mới, dùng lò gas. Nhiều lò gốm cũng đã áp dụng phương thức sản xuất mới, có sự hỗ trợ của máy móc, tăng năng suất và hiệu quả công việc.
Lò nung đốt củi truyền thống ở Cảnh Đức Trấn
Ngày nay, bên cạnh việc sản xuất gốm truyền thống, Cảnh Đức Trấn còn mở ra nhiều xưởng gốm du lịch dành cho khách tham quan trải nghiệm.
Xưởng gốm thủ công của một nghệ nhân cao tuổi là địa chỉ thu hút khách du lịch đến tìm hiểu về phương thức sản xuất gốm truyền thống
Nhiều nghệ sĩ nước ngoài cũng đã đến đây để tìm hiểu thêm về nghề gốm và rèn luyện tay nghề.
Một nghệ sĩ tìm hiểu về gốm men trắng xanh nổi tiếng của Cảnh Đức TrấnNghệ sĩ nước ngoài tìm hiểu về gốm đương đại ở Cảnh Đức Trấn
Và tự tay làm gốm theo phương thức cổ truyền của địa phươngLò gốm ngày ngay dùng gas để đốt
Năm 2014, Trung Quốc đã xếp hạng Khu triển lãm Văn hóa dân gian và Gốm cổ Cảnh Đức Trấn rộng 83 hecta là thắng cảnh hàng đầu quốc gia.
Ngày nay, gốm cổ nguồn gốc Cảnh Đức Trấn vẫn được các nhà sưu tầm trên thế giới săn lùng. Năm 2016, một chiếc bình rồng sứ trắng xanh thời Minh đã bán được khoảng 18 triệu đôla Mỹ tại Hong Kong.
Kỹ thuật sản xuất gốm ở Cảnh Đức Trấn đã được Trung Quốc xếp hạng là Di sản phi vật thể quốc gia và đã được lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Lương Anh, theo CCTV