Nằm ngay giữa trung tâm thủ đô, That Luang là kiến trúc chính của một ngôi chùa (cũng có tên là That Luang) đẹp và nổi tiếng nhất ở đất nước Triệu Voi, cũng biểu tượng quốc gia và được in trên tiền giấy cũng như quốc huy của đất nước Lào.
Với lối kiến trúc mang đậm nét văn hóa và bản sắc Lào, That Luang từ lâu đã trở thành biểu tượng của dân tộc Lào
Tên chính thức của That Luang là Chediloka Chulamani có nghĩa là “Tháp ngọc trên thế giới” nhưng người dân Vientiane từ nhiều đời vẫn gọi là That Luang để biểu thị sự to lớn và vĩ đại của ngôi chùa cả về quy mô lẫn ý nghĩa.
Được xây dựng từ năm 1566 trên nền một ngôi đền thờ vị thành hoàng của Vientiane vốn có từ thế kỷ 13, sau một thời gian dài, đến năm 1930, That Luang được một kiến trúc sư người Pháp trực tiếp tu sửa lại.
Chân đế tháp That Luang rộng 8.100km2 (mỗi cạnh 90m) có thiết kế như một đài sen đang nở tung cánh vàng ra bốn phía. Mỗi cạnh đế của tháp có 7 tháp nhỏ, trên tường của đế tháp trang trí hoa sen và lá bồ đề.
Nằm ngay giữa trung tâm thủ đô, That Luang nổi bật với vẻ đẹp được dát bằng vàng
Nhìn từ xa, That Luang như một đài sen xòe cánh nâng một bảo vật, đỉnh tháp uy nghi vươn cao 45m hình quả bầu vuông mang ý nghĩa của cội nguồn dân tộc, nguồn gốc vũ trụ và biểu trưng cho đất nước Lào đoàn kết, sáng tạo và trí tuệ. Bao quanh là các tháp phụ, sơn thếp vàng.
That Luang như một bông sen vàng khổng lồ, rực rỡ
Tháp That Luang có nhiều bậc thang, mỗi bậc tượng trưng cho một giai đoạn khác nhau của sự khai sáng Phật giáo. Bậc thấp nhất tượng trưng cho vật chất và cao nhất là hư không. Đây là một công trình kiến trúc lịch sử đáng tự hào của người Lào.
Tương truyền rằng That Luang là một trong số ít các ngôi chùa trên thế giới được lưu giữ xá lợi của Đức Phật. Vào dịp trăng tròn tháng 11 hằng năm sẽ diễn ra lễ hội That Luang.
Lễ hội That Luang từ lâu đã được coi là ngày hội của sự đoàn tụ, đoàn kết dân tộc, có ý nghĩa quan trọng cả về văn hóa, lịch sử và tâm linh
Đây là lễ hội Phật giáo lớn nhất và quan trọng nhất trong năm của người Lào, kéo dài suốt 3 ngày đêm với những nghi lễ Phật giáo tôn nghiêm và thành kính. Phần lễ bắt đầu bằng lễ tắm Phật. Tiếp đó là lễ dâng cơm, cầu phúc, giảng giải kinh Phật. Đêm cuối cùng là lễ rước nến.
Lễ rước nến
Phần hội của lễ That Luang là những trò vui chơi, giải trí văn nghệ, văn hóa, thể thao, mua bán hàng hóa, triển lãm…
Vào thời gian này, người dân Lào ở khắp mọi miền đất nước đều cầu nguyện sự may mắn, tốt lành, bình an cho đất nước và gia đình mình. Lễ hội kết thúc trong một cuộc thi pháo hoa đầy màu sắc như lời hẹn du khách vào mùa lễ hội sang năm.
Thu Hằng/hanoimoi.com.vn