Quảng trường hoàng gia Durbar
Kathmandu ngày nay có 3 quảng trường Durbar được UNESCO công nhận là di sản thế giới, gồm Kathmandu Durbar Square, Patan Durbar Square và Bhaktapur Durbar Square. Đây là quảng trường trung tâm của 3 tiểu vương quốc của người Newar thời xưa ở Nepal. Mỗi Durbar Square đều có rất nhiều đền đài, tượng thần, cung điện... được xây dựng từ vật liệu chủ yếu là gạch nung, gỗ và đá với tông màu đỏ trầm nổi bật. Các khung cửa sổ gỗ được chạm khắc tinh xảo, các ngôi đền tứ giác nhiều tầng có chóp nhọn rất đặc biệt.
Kathmandu Durbar Square nằm ở trung tâm thành phố và còn có tên gọi khác là Hanuman Dhoka Durbar Square, bởi ngay cổng vào hoàng cung có tượng thần khỉ Hanuman. Tại đây có trên 40 đền đài được xây dựng từ thế kỷ XII tới thế kỷ XVIII. Trung tâm của quảng trường là ngôi đền Maju Deval được xây dựng vào năm 1690, bên trong đền có một linga rất nổi tiếng của thần Shiva nên ngôi đền này còn được gọi là đền Shiva. Đây là nơi ở của Kumari, còn gọi là Nữ thần đồng trinh. Kumari được coi là hóa thân sống của nữ thần Taleju, được nhận sức mạnh cũng như quyền năng của vị nữ thần này. Vì vậy, công cuộc tuyển chọn Kumari từ các bé gái rất khắt khe và nữ thần chỉ xuất hiện vào dịp lễ cúng tế.
Quảng trường hoàng gia Durbar. Ảnh: Internet
Bhaktapur Durbar Square là khu phức hợp hoàng gia của vương quốc Bhaktapur cổ, bao gồm 4 quảng trường lớn: Quảng trường hoàng cung, Taumadhi, Dattatreya và quảng trường gốm. Điều thú vị ở nơi này là chiếc “chuông chó sủa” trong đền thờ Vatsala, mỗi lần rung chuông thì tất cả chó trong làng sẽ sủa vang. Ngoài ra, Bhaktapur còn nổi tiếng với cổng vàng và cổng sư tử với những hình tượng chạm khắc nổi tinh xảo và xa hoa.
Patan Durbar Square là quần thể kiến trúc đỉnh cao của người Newar, với các công trình kiến trúc chạm khắc gỗ tinh xảo, tháp chuông lớn cùng với sân quảng trường được lát gạch đỏ đặc trưng. Patan là một trong những trung tâm của Hindu giáo và Phật giáo lâu đời nhất ở Nepal. Các công trình tráng lệ ở Patan được xây dựng chủ yếu từ thế kỷ XIV tới thế kỷ XVIII, đặc biệt là dưới thời trị vì của vua Siddhinarsingh Malla.
Đền thờ Krishna Mandir, nơi quan trọng nhất tại quảng trường, được xây dựng theo phong cách kiến trúc Shikhara từ Ấn Độ. Các hình vẽ chạm khắc đá ở trước đền và trên trần miêu tả lại những truyền thuyết cổ xưa của sử thi Mahabharata nổi tiếng.
Bảo tháp Boudhanath linh thiêng
Boudhanath là chốn tâm linh của Phật giáo Nepal và là bảo tháp lớn nhất thế giới còn tồn tại đến ngày nay. Công trình được xây dựng từ thế kỷ VII, được trùng tu nhiều lần và hoàn thành vào thế kỷ XIV. Đây là điểm đến quan trọng trong tuyến đường hành hương của người dân Nepal và Tây Tạng. Bảo tháp Boudhanath màu trắng cao 36m, mỗi phần của tháp có ý nghĩa khác nhau. Phần đế được xây dựng giống như một mandala (hình vẽ biểu thị vũ trụ). Thân tháp có hình đôi mắt đức Phật được vẽ ở cả bốn phía, bên dưới là ký hiệu số 1 - theo tiếng Nepal biểu tượng cho sự hợp nhất của Phật giáo. Bên trên là kim tự tháp 13 bậc tượng trưng cho sự tu tập để tiến đến giải thoát. Mái vòm và chóp nón được mạ vàng kết hợp với lọng biểu tượng hoàng gia cao quý. Quanh tháp là cờ Phật giáo màu sắc rực rỡ và cờ cầu nguyện lungta với những câu chú tung bay trong gió. Cờ cầu nguyện có 5 màu - tượng trưng cho 5 nguyên tố cơ bản: Màu vàng tượng trưng cho đất, xanh lá tượng trưng cho nước, đỏ tượng trưng cho lửa, trắng tượng trưng cho gió, xanh da trời tượng trưng cho không gian.
Bảo tháp Boudhanath. Ảnh: Internet
Bảo tháp gắn liền với hình ảnh của Quan thế âm Bồ Tát nên viền quanh tòa tháp có 108 tượng hóa thân của ngài. Khách hành hương sẽ đi quanh bảo tháp theo chiều kim đồng hồ, chạm tay vào bánh xe luân xa, tượng Bồ Tát và cầu nguyện. Xung quanh bảo tháp là khoảng không gian rộng lớn để đi bộ với nhiều quán cà phê, cửa hàng lưu niệm và nhà hàng ẩm thực. Năm 1979, bảo tháp Boudhanath đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới và vẫn được bảo tồn cho đến nay.
Kathmandu là một trong những thủ đô đẹp nhất khu vực Nam Á. Đến đây, bạn sẽ có những cảm xúc trái ngược đan xen: Trầm trồ trước những đền đài, cung điện tinh xảo; thú vị trước những khu chợ, nhịp sống mang đậm bản sắc Nam Á; chán nản trước cảnh đường phố bụi bặm và đông đúc; ngạc nhiên bởi các phong tục cổ xưa còn lưu lại cho tới bây giờ... Thế nhưng, chính những điểm trái ngược này lại khiến Kathmandu trở nên thu hút và bất cứ ai tới đây cũng đều có ấn tượng khó quên.
Theo Hà Nội mới